Trung Quốc bị nghi bí mật đề nghị bán vũ khí cho Gadhafi
(Dân trí) - Các công ty của Trung Quốc đã đề nghị bán số vũ khí trị giá khoảng 200 triệu USD cho các lực lượng trung thành với Đại tá Gadhafi hồi tháng 7, bất chấp một lệnh cấm vận của Liên hợp quốc, báo chí phương Tây đưa tin.

Trung Quốc bị nghi bí mật đề nghị bán vũ khí cho Gadhafi 1_f42f9
Các thành viên phe nổi dậy tại thành phố Benghazi, miền đông Libya.
Sau một báo cáo trước đó được đăng tải trên tờ Globe & Mail của Canada, tờ New York Times (Mỹ) hôm nay đưa tin các tài liệu được tìm thấy bị bỏ lại tại thủ đô Tripoli cho thấy các công ty Trung Quốc đã đề nghị bán các máy phóng tên lửa, các tên lửa chống tăng và các vũ khí khác cho các lực lượng của Gadhafi, bất chấp lệnh cấm bán các loại vũ khí như vậy.
“Chúng tôi có thông tin chắc chắn về các thoả thuận giữa Trung Quốc và Gadhafi. Chúng tôi có các tài liệu để chứng minh điều đó”, phát ngôn viên quân đội của phe nổi dậy, Abdulrahman Busin, nói.
Một nhà ngoại giao cấp cao của NATO tại Brussels tỏ ra nghi ngờ về cáo báo trên, còn các quan chức Liên hợp quốc giám sát các lệnh cấm vận đối với Libya nói họ không có thông tin gì về vụ việc này, tờ New York Times cho hay.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa công khai bình luận về các báo cáo trên. Trung Quốc vẫn thường tuyên bố rằng nước này tuân thủ chặt chẽ các lệnh cấm vận của Liên hợp quốc.
Thậm chí nếu số vũ khí trên chưa được chuyển giao, hoặc các tài liệu trên không có cơ sở, cuộc tranh cãi vẫn có thể làm gia tăng những ngờ vực giữa Bắc Kinh và phe nổi dậy, vốn đang tìm cách đánh bại các lực lượng của Gadhafi và muốn kiểm soát toàn bộ Libya.
Hồi cuối tuần qua, người đứng đầu Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC) của phe nổi dậy, ông Mustafa Abdel Jalil, nói Trung Quốc đã phản đối giải phóng thêm các tài sản bị đóng băng của Libya.
Mặc dù Trung Quốc đã đồng ý với các cường quốc khác hồi tuần trước về việc giải phóng 15 tỷ các tài sản bị đóng băng của Libya ở nước ngoài, nhưng Bắc Kinh phải đối việc chuyển giao quyền kiểm soát thêm các tài sản cho NTC, theo phát ngôn viên phe nổi dậy Libya Shamsiddin Abdulmolah.
Trung Quốc là nhà tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới và năm ngoái Libya cung cấp khoảng 3 phần trăm số dầu thô mà Trung Quốc nhập khẩu.
Trung Quốc đã không sử dụng quyền phủ quyết của nước này với tư cách là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hồi tháng 3 để ngăn chặn một nghị quyết cho phép NATO thực hiện chiến dịch ném bom nhằm vào các lực lượng của Đại tá Gadhafi. Nhưng Bắc Kinh đã lên án các cuộc tấn công mở rộng và liên tục thúc giục sự dàn xếp giữa chính phủ của ông Gadhafi và phe nổi dậy.
Bắc Kinh kể từ đó đã tiếp cận các lãnh đạo nổi dậy Libya và hối thúc “một cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm”.
Các nguồn tin cho hay các quan chức an ninh Libya tới thăm Trung Quốc hồi tháng 7 khi chế độ Gadhafi đang đi tới những ngày tàn đã được sự đón tiếp của 3 công ty của Trung Quốc, trong đó có Norinco và Tập đoàn xuất nhập khẩu China Xinxing.
“Các công ty của Trung Quốc đề nghị rằng họ có thể ký kết các hợp đồng với Đại tá Gadhafi thông qua Algeria hoặc Nam Phi, vì những nước này trước đó từng hợp tác với Trung Quốc”, một bản ghi nhớ của chính phủ Libya viết.
Vào thời điểm có chuyến thăm trên, các quan chức Trung Quốc đã tiếp cận với các lãnh đạo nổi dậy của Libya.
Trung Quốc hiện chưa chính phức công nhận NTC là chính phủ hợp pháp của Libya, nhưng thừa nhận vai trò quan trọng của NTC sau khi Gadhafi bị lật đổ.
Norinco, một trong những công ty của Trung Quốc được cho là đã chào mời cung cấp vũ khí cho các lực lượng Libya, đã đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ, vốn cáo buộc công ty này bán các bộ phận tên lửa cho Iran.
An Bình
Theo Reuters